image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Phương thức thủ đạon lừa đảo qua mạng xã hội
phương thức lừa đảo qua mạng xã hội


1.1. Lấy cắp thông tin cá nhân:

+ Phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm:

CCCD gắn chip thể hiện tính ưu việt, hiệu quả; chứa thông tin cá nhân, giúp công dân thuận lợi trong các giao dịch dân sự không phải kê khai nhiều loại giấy tờ. Tuy nhiên, nếu "vô tư" chia sẻ hình ảnh CCCD trên mạng xã hội, làm lộ lọt thông tin cá nhân dẫn đến hậu quả khó lường.

Chỉ cần dựa vào mã QR hoặc thông tin in trên thẻ Căn cước công dân là có thể biết rõ thông tin cá nhân của công dân. Từ những thông tin đó, tội phạm và các đối tượng xấu có thể dễ dàng đăng ký tài khoản ngân hàng, vay tiền trên App, dùng để đăng ký số điện thoại trả sau và có thể đăng ký mã số thuế ảo hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Do đó người dân không nên đăng tải, chia sẻ hình ảnh Căn cước công dân của mình lên mạng xã hội để tránh nguy cơ bị lộ lọt thông tin cá nhân.

Giao dịch dân sự đa dạng, dễ dàng nhưng cũng dễ mất tiền nếu bị đối tượng xấu lợi dụng

(1) Hiện tại có rất nhiều ứng dụng cho vay tiền online chỉ cần chụp hình ảnh Căn cước công dân hay CMND là có thể được giải quyết hợp đồng vay tiền và giải ngân một cách nhanh chóng mà bỏ qua khâu xác minh chính chủ, hoặc có xác minh nhưng quá trình xác minh rất sơ sài.

(2) Tội phạm sử dụng hình ảnh CCCD/CMND trên mạng xã hội để đăng ký thuê bao trả sau các nhà mạng, sau đó thực hiện những cuộc gọi quốc tế hoặc thực hiện các cuộc gọi trong nước một cách vô tội vạ.

(3) Các đối tượng lợi dụng, lấy hình ảnh CCCD của người dân đăng lên mạng xã hội để đăng ký mã số thuế ảo cho nhân viên công ty nhằm qua mặt cơ quan chức năng và một mối nguy hiểm nữa đó là có những công ty chọn hình thức ra thông báo tuyển dụng nhân sự không giới hạn số lượng với mức lương cao để thu hút người khác nộp hồ sơ xin việc, nhưng cuối cùng thì họ đều thông báo không trúng tuyển, sau đó lấy ảnh CMND/CCCD của người xin việc đó dùng để đăng ký mã số thuế ảo.

+ Cách phòng tránh:

1. Không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD/CMND trên mạng xã hội;

2. Không cung cấp thông tin CCCD, CMND cho những dịch vụ không thiết yếu, các dịch vụ không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân;

3. Không cho người khác mượn CCCD nếu không có mục đích chính đáng và không chụp hình ảnh thẻ CCCD của mình gửi cho người khác.

4. Khi mất CCCD, công dân cần trình báo việc mất CCCD ngay cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ, đồng thời phòng ngừa trường hợp số CCCD bị lợi dụng thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật trong thời gian bị mất CCCD thì đây căn cứ để chứng minh bản thân không có liên quan đến các giao dịch dân sự trong thời gian đó.

5. Khi bị lừa lấy thông tin CMND/CCCD để đi vay tiền thì người dân cần nhanh chóng thông báo với đơn vị cho vay, đồng thời liên hệ đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ nhanh nhất. Trường hợp bị các đối tượng khác lợi dụng lấy số CMND hay số thẻ CCCD để đi đăng ký mở tài khoản ngân hàng hay đăng ký thuê bao trả sau thì người dân cũng cần nhanh chóng liên hệ ngân hàng, nhà mạng để được hỗ trợ khóa tài khoản.

1.2. Lừa đảo tìm việc làm trên các sàn TMĐT:

+ Phương thức, thủ đoạn:

* Các đối tượng lừa đảo giả mạo là nhân viên của các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo,... thông qua mạng xã hội, tin nhắn đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online.

* Khi người có nhu cầu tìm việc làm liên hệ, các đối tượng hướng dẫn cộng tác viên thực hiện đặt mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng. Mỗi lượt mua hàng thành công được hoàn lại tiền gốc và hưởng thêm 10% - 20% giá trị đơn hàng.

* Những đơn hàng đầu tiên có giá trị nhỏ, cộng tác viên sẽ được hoàn trả tiền mua hàng kèm "hoa hồng" như đã hứa nhằm tạo lòng tin.

* Khi số tiền đặt hàng ngày càng lớn, các đối tượng không chuyển tiền lại và dùng nhiều chiêu trò như: Thông báo đơn hàng bị trục trặc, thao tác đặt mua hàng chưa đúng, v.v... để yêu cầu tiếp tục chuyển tiền để đặt hàng lại. Nhiều nạn nhân lo không lấy lại được số tiền nên tiếp tục làm theo hướng dẫn của các đối tượng.

* Sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng lừa đảo tẩu tán tiền trong tài khoản và cắt liên lạc với nạn nhân. Các đối tượng thường sử dụng thông tin giả khi liên hệ với nạn nhân nên rất khó khăn để truy tìm.

Phương thức thủ đoạn không mới nhưng vẫn còn nhiều người bị các đối tượng lừa đảo và mất tài sản.

+ Cách phòng tránh:

1. Tìm hiểu kỹ các thông tin của người tuyển dụng trước khi đăng ký làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên không gian mạng qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính xác thực. Đặc biệt cảnh giác với các số điện thoại "rác mà các đối tượng lừa đảo thường dùng để liên hệ hoặc các dạng đầu số có mã vùng quốc tế...

2. Không cung cấp hình ảnh cá nhân, số CMND/CCCD, mã định danh cá nhân, số tài khoản ngân hàng. Không cài đặt ứng dụng điện thoại; không truy cập vào đường dẫn (link) do các đối tượng cung cấp. Kiểm tra dấu hiệu giả mạo các đường dẫn này qua web: https://www.urlvoid.com/; tra cứu các ứng dụng điện thoại do các đối tượng cung cấp thường không có trong kho ứng dụng App Store dành cho Iphone và CHPlay dành cho điện thoại Android.

3. Khi phát hiện những trường hợp, đối tượng có biểu hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cần tố giác, cung cấp thông tin và báo ngay Công an để được tư vấn, hỗ trợ và xác minh, xử lý.

4. Tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè biết, nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động nhận diện, phòng tránh, không để các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

            1.3. Chiếm đoạt tài sản qua đề nghị "Nâng cấp SIM điện thoại":

          + Phương thức, thủ đoạn:

Các đối tượng giả danh nhân viên nhà mạng gọi điện tư vấn và đề nghị nâng cấp Sim điện thoại từ 3G lên 4G, 4G lên 5G để sử dụng tốt hơn hoặc hỗ trợ giải quyết sự cố. Nhưng thực chất đây là chiêu trò dẫn dụ của các đối tượng nhằm đăng nhập vào tài khoản, ví điện tử, các tài khoản ngân hàng được liên kết từ trên.

Khi nạn nhân đồng ý, đối tượng yêu cầu nhắn tin theo cú pháp **21* số điện thoại # hoặc DS gửi 901 thực chất cú pháp **21* số điện thoại # là cú pháp chuyển hướng cuộc gọi đến số thuê bao khác, có nghĩa là sau khi thực hiện thành công, thì mọi cuộc gọi đến số người dùng đều được chuyển đến số điện thoại mà đối lượng lừa đảo cung cấp trong đó có cuộc gọi cung cấp mã xác thực OTP từ ngân hàng hay ví điện tử.

Các đối tượng còn lừa đảo bằng cú pháp DS gửi 901 khi khách hàng thực hiện cú pháp này thì sim đang dùng sẽ mất hiệu lực và bị chuyển sang sim khác, chính là sim có số seri mà khách vừa thực hiện, nghĩa là người dùng sẽ mất quyền kiểm soát sim và sim của đối tượng lừa đảo trở thành sim chính chủ. Với việc chiếm đoạt được quyền kiểm soát sim, các đối tượng sẽ nhận được mã OTP từ đó kích hoạt mật khâu mới, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Không chỉ có vậy, chúng còn sử dụng các thông tin có được từ nạn nhân để thực hiện vay tiền từ các app khác, tổ chức tín dụng khiến cho nạn nhân phải gánh nợ nần.

+ Cách phòng tránh:

Thuê bao di động là chìa khóa để vào các tài khoản quan trọng của người dùng, vì vậy người dùng tuyệt đối không làm theo các cú pháp, hướng dẫn của người khác khi chưa tìm hiểu, tra cứu thông tin rõ ràng. Không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã OTP cho người khác, ngay cả khi nhận được yêu cầu từ nhân viên ngân hàng. Không nhập tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã OTP, số tài khoản của mình vào trang web hoặc liên kết khác với trang web chính thống của ngân hàng đã và đang sử dụng.

Khi có nghi vấn liên quan đến hành vi trên, cần liên hệ ngay với cơ quan Công an gần nhất, đồng thời thông báo ngay qua đường dây nóng hoặc Tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng đang sử dụng dịch vụ để được hỗ trợ kịp thời.

1.4. Lừa đảo qua mạng xã hội:

+ Phương thức, thủ đoạn:

Đối tượng thường "hack tài khoản" chiếm quyền truy cập để sử dụng tài khoản qua mạng xã hội, sau đó nhắn tin bằng các từ ngữ mà bạn bè, người thân của bị hại hay sử dụng nhằm tránh sự nghi ngờ để nhờ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng nào đó của chúng với các lý do cấp thiết.

Chiếm quyền sử dụng tài khoản xã hội (facebook, zalo, viber, messenger...) để đóng giả người bán hàng Online, bán vé máy bay hoặc tour du lịch giá rẻ... để dẫn dụ nạn nhân chuyển khoản tiền cọc khi mua hàng rồi chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng lập tài khoản trên mạng xã hội với hình ảnh, chân dung lịch lãm, tài chính dồi dào, kết bạn, thậm chí hứa sẽ kết hôn với nạn nhân. Tiếp đó, đối tượng nói sẽ tặng quà, gửi ngoại tệ giá trị cao. Tuy nhiên, để nhận được quà, ngoại tệ, đối tượng lừa nạn nhân phải đóng phí dịch vụ, phí hải quan... bằng cách chuyển tiền qua tài khoản của chúng.

Các đối tượng mời chào vay vốn với nhiều ưu đãi như: Hỗ trợ cho vay ngay cả trường hợp dang có nợ xấu, thủ tục đơn giản không cần nhiều giấy tờ, giải ngân chi trong 01 giờ, hạn mức cho vay lớn, lãi xuất thấp... để thu hút khách hàng. Sau đó, yêu cầu khách hàng cài đặt ứng dụng cho vay Online để đăng ký hồ sơ khoản vay và gửi thông báo phê duyệt khoản vay (sử dụng con dấu giả của các ngân hàng). Sau khi khách hàng đăng ký khoản vay, các đối tượng sẽ thông báo lỗi giải ngân và yêu cầu nộp tiền để xử lý khoản vay. Hoặc các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển trước một khoản tiền để nộp hồ sơ; bảo hiểm của khoản vay. Nhưng sau khi đóng tiền khách hàng không nhận được giải ngân khoản vay, còn các đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt số tiền này và chặn mọi liên lạc.

+ Cách phòng tránh:

- Trước khi chuyển tiền cho người thân hoặc bạn bè, cần gọi điện thoại cho người đó trước, xác nhận lại nội dung chuyển tiền.

- Không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã OTP cho người khác, ngay cả khi nhận được yêu cầu từ nhân viên ngân hàng.

- Không nhập tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã OTP, số tài khoản của mình vào trang web hoặc liên kết khác với trang web chính thống của ngân hàng đã và đang sử dụng.

- Không vay tiền trên các ứng dụng cho vay Online.

- Khi có bất kỳ nghi vấn nào liên quan đến hành vi lừa đảo giao dịch bằng internet banking, cần liên hệ ngay với cơ quan Công an gần nhất, đồng thời thông báo ngay qua đường dây nóng hoặc Tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng đang sử dụng dịch vụ để được hỗ trợ kịp thời.

 

------------------------

 

CÁCH NHẬN DIỆN VỀ CÁC CUỘC GỌI LỪA ĐẢO

 

Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư giúp thay đổi cơ cấu hệ thống sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả lao động, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, cải thiện môi trường làm việc, tăng cường sức khỏe người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có mặt trái, phá vỡ cấu trúc thị trường lao động, khiến hàng triệu người mất việc, Nguy cơ bảo mật cá nhân, Nguy cơ bị hacker can thiệp vào hệ thống sản xuất, điều hành.

Mặc dù đa số người dân đã biết đến hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi giả mạo, kể cả những người có kiến thức về công nghệ cũng như cập nhật các tin tức xã hội thường xuyên cũng vẫn bị mắc bẫy. Nguyên nhân là do những thủ đoạn lừa đảo này quá tinh vi và chuyên nghiệp.

Trên thực tế, đã có rất nhiều người dân bị đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản từ các cuộc điện thoại. Để khiến người dùng "sập bẫy", đối tượng thực hiện các cuộc gọi lừa đảo này chủ yếu đánh lòng tham hay nỗi sợ hãi.

Một số phương thức phổ biến đang được nhiều đối tượng xấu sử dụng để lừa đảo người dân, trong đó có kịch bản đối tượng xấu giả mạo lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ nghiêm trọng như buôn ma túy, gây tai nạn bỏ trốn, lừa đảo xuyên quốc gia…

Khi nạn nhân nói rằng mình không liên quan hoặc không phải là tội phạm được nói đến, các đối tượng lừa đảo sẽ khai thác thông tin cá nhân hoặc nói rằng có thể thông tin cá nhân của nạn nhân bị lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó dẫn dụ nạn nhân làm theo những yêu cầu của mình.

Người dân cần lưu ý rằng các lực lượng chức năng nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng.

Một kịch bản phổ biến khác là đối tượng xấu giả mạo nhân viên của sàn thương mại điện tử, trung tâm mua sắm, đài truyền hình, công ty xổ số… gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao của một chương trình nào đó, thúc giục nạn nhân nếu không thực hiện ngay những yêu câu đưa ra thì sẽ không có cơ hội nhận được phần thưởng giá trị nữa.

Từ đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP gửi về điện thoại hay đưa ra bất kỳ lý do nào khác để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm trộm tiền trong tài khoản.

Bên cạnh đó, nhiều người dân còn gặp phải những cuộc gọi giả làm nhân viên bưu điện gọi điện thông báo nhận bưu phẩm; nhân viên viễn thông gọi điện thông báo nợ cước; nhân viên điện lực gọi điện thông báo nợ cước, dọa cắt điện…

Khi nhận được các cuộc gọi giả mạo này, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.

 


TRANG TTĐT THỊ TRẤN CẦN GIUỘC - HUYỆN CẦN GIUỘC

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN THỊ TRẤN CẦN GIUỘC
Chịu trách nhiệm nội dung: Đặng Thị Mai Hồng - Chức vụ: Phó chủ tịch UBND thị trấn
Địa chỉ : Khu phố Trị Yên, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An
Điện thoại: 0985349325  - Email:  ttcangiuocit@gmail.com